Buồn nôn và ói mửa là hai phản ứng phụ thông thường nhất và đáng sợ nhất của hóa chất trị liệu. Tùy theo loại thuốc hóa trị và cơ thể người bệnh, việc nôn mửa có thể rất nhẹ, mà cũng có thể rất nặng.
Thông thường nôn và mửa bắt đầu vài tiếng đồng hồ sau cuộc chữa trị và chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Một đôi khi, triệu chứng nôn và mửa rất nặng có thể kéo dài vài ba ngày. Xin quý vị nhớ cho bác sĩ và y tá biết nếu quý vị cảm thấy rất là buồn nôn hay là quý vị đã ói mửa hơn một ngày, hoặc là quý vị buồn nôn đến độ quý vị không thể uống nước được.
Để chống lại ói mửa, quý vị có thể thay đổi cách ăn uống và có thể dùng các thuốc chống nôn mửa. Những thứ thuốc chống nôn mửa này có nhiều loại khác nhau và mỗi thứ có thể hợp với người này mà không hợp với người khác. Đôi khi chúng ta cần phải thử một vài loại thuốc khác để tìm được thứ thuốc hợp với mình. Nếu một thứ thuốc không giúp cho quý vị, xin quý vị cho bác sĩ và y tá biết để tìm một thứ thuốc khác hay là kết hợp nhiều thuốc khác nhau để giúp cho quý vị.
Khoảng một nửa các bệnh nhân đang dùng hóa trị cảm thấy buồn nôn ngay cả trước khi bắt đầu buổi chữa trị. Hiện tượng này gọi là buồn nôn vì dự đoán và hiện tượng này rất thật với bệnh nhân. Cách tốt nhất để giúp cho việc buồn nôn vì dự đoán này là các phương pháp thư giãn mà chúng tôi sẽ nói tới trong phhần sau tập sách này.
Ngoài ra, quý vị có thể thử những phương pháp sau đây để đỡ bị buồn nôn và ói mửa:
• Đừng ăn nhiều quá trước khi vào làm hóa chất trị liệu. Quý vị nên ăn những bữa ăn nhỏ nhiều lần một ngày hơn là ăn một, hai, hay ba bữa ăn lớn trong một ngày.
• Uống nước hay chất lỏng một tiếng trước hay sau bữa ăn hơn là uống chất lỏng cùng với bữa ăn của quý vị.
• Ăn uống chậm rãi.
• Đừng ăn những món quá ngọt, những món chiên xào, hay nhiều mỡ, hay những món ăn cay hoặc chua quá độ.
• Dùng thức ăn lạnh hay nguội để tránh những mùi đồ ăn gây cảm giác buồn nôn.
• Nhai thức ăn kỹ cho dễ tiêu hóa.
• Nếu thường bị buồn nôn vào buổi sáng, quý vị thử ăn những loại đồ ăn khô như ngũ cốc, bánh mì nướng hay là bánh lạt ngay sau khi thức dậy (quý vị đừng nên thử cách này nếu trong miệng hoặc trong cổ họng quý vị bị lở, bị đau hay miệng quý vị quá khô).
• Nên uống những chất lỏng, mát và trong như là nước táo, nước trà, hoặc là những nước ngọt đã để bay hơi.
• Ngậm đá cục, kẹo bạc hà, hay kẹo chua. Tuy nhiên không nên ngậm kẹo chua nếu miệng quý vị đang bị lở. Quý vị cũng không nên ăn nhiều đồ chua vì những đồ chua này có thể làm cho dạ dày bị khó chịu.
• Quý vị nên tránh những mùi nào làm khó chịu cho quý vị như mùi nước hoa, mùi xào nấu, hay mùi khói thuốc.
• Nghỉ ngơi bằng cách ngồi trên ghế sau khi ăn, nhưng trong vòng hai tiếng đồng hồ sau khi quý vị ăn xong. Tránh đừng nằm thẳng.
• Mặc quần áo rộng rãi.
• Thở sâu,dài, và chậm khi cảm thấy buồn nôn.
• Tìm cách quên cảm giác buồn nôn bằng cách nói chuyện với bạn bè hay người thân, hoặc là nghe nhạc, xem phim, hay xem truyền hình.
• Dùng những phương pháp giúp thư giãn.
• Tránh ăn uống ít nhất là một vài giờ trước khi vào thuốc nếu quý vị thường bị buồn nôn trong lúc đang làm hóa chất trị liệu.
Hội ung thư Việt Mỹ
======================
Lương y. Phạm Quốc Khánh
Điện thoại: 0936.36.2656