DIỄN BIẾN TÂM LÝ CHUNG CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ

Gia đình có người thân bị ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K hãy quan tâm đến vấn đề này.

DIỄN BIẾN TÂM LÝ CHUNG CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ THƯỜNG TRẢI QUA 5 GIAI ĐOẠN

Giai đoạn một: Phủ nhận thường chỉ là một phản kháng tạm thời. “Không, tôi khỏe mà”; “Chuyện đó không thể xảy ra với tôi được”. Sau đó, người bệnh nhanh chóng nhận ra đang phải đối mặt với một sự việc rất trầm trọng.

Giai đoạn thứ hai: Phẫn nộ, người bệnh bắt đầu nhận ra rằng không thể tiếp tục phủ nhận mãi được. Họ có thể nổi cơn thịnh nộ và đố kỵ làm cho việc giao tiếp với họ là một thách thức rất lớn. “Tại sao là tôi, không công bằng chút nào hết?”; “Sao mà nó có thể xảy ra cho tôi được? “; “Ai gây ra chuyện này?”. Những cá nhân nào càng mạnh mẽ trong cuộc sống thì càng có khuynh hướng bùng phát sự phẫn nộ và đố kỵ.

Giai đoạn thứ ba: Thương lượng liên quan đến sự hy vọng mà người bệnh mong rằng có thể kéo dài hoặc trì hoãn cái chết. Thông thường họ tìm mọi cách thương lượng để kéo dài cuộc sống. “Chỉ cần cho tôi sống đến ngày con tôi tốt nghiệp”; “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể được để sống thêm vài năm nữa”; “Tôi sẽ thưởng cho 2 cây vàng nếu ai cứu sống được tôi”. “Tôi hiểu là tôi sẽ chết nhưng chỉ mong có thêm thời gian hơn nữa”…

Giai đoạn thứ tư: Trầm cảm, người bệnh hiểu rằng cái chết là chắc chắn. Vì thế họ có thể trở nên im lặng, từ chối gặp người viếng thăm, dành nhiều thời gian để khóc và đau buồn. Quá trình này làm cho người bệnh cắt đứt với những sự việc liên quan đến tình thương yêu và bệnh tật. Sự cắt đứt này có tác dụng làm nguôi ngoai nên trong giai đoạn này không nên tìm cách làm vui cho người bệnh cho mà để cho nỗi buồn được diễn tiến. “Tôi buồn quá, tôi sắp chết rồi. Tại sao phải quan tâm đến mấy cái chuyện khác làm gì?”; “Tôi sắp mất người thân yêu nhất của mình rồi”.

Giai đoạn cuối: Chấp nhận, người bệnh bắt đầu chấp nhận cái chết sẽ đến với mình. “Rồi cũng sẽ xong thôi”; “Tôi không thể chống lại được nó, tốt nhất là nên chuẩn bị đón nhận nó”, buông xuôi.

Diễn biến tâm lý theo quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư

Giai đoạn đi thăm khám bệnh: Nhiều bệnh nhân chỉ nghĩ đến ung thư, nhắc đến ung thư đã hoảng hốt mất ăn, mất ngủ. Đọc sách báo rồi vận vào những triệu chứng của mình, thế là lo nghĩ luẩn quẩn. Bên cạnh đó, nhiều người chủ quan, mặc dù bệnh đã lở loét, di căn hạch mới bỏ công việc đi khám bệnh thì đã quá muộn rồi. Bệnh nhân vừa lo âu vừa hy vọng việc điều trị có kết quả tốt.

Giai đoạn chẩn đoán bệnh: Khi biết mình bị ung thư bệnh nhân thường có những phản ứng sau:

  • Choáng váng/mất lòng tin. Phản ứng này đôi khi nặng nề tới mức không thể nói được gì thêm về kế hoạch điều trị.
  • Chối bỏ sự thật không tin là mình bị bệnh.
  • Thất vọng và chán chường: Nỗi thất vọng có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào sau khi chẩn đoán ung thư. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng thần kinh thực vật: Chán ăn, mất ngủ và các triệu chứng tâm thần như thất vọng, mất tập trung, hoang tưởng, tội lỗi cho thấy là nỗi thất vọng sâu sắc. Thêm nữa, bệnh nhân có thể từ chối điều trị nếu họ nghĩ là không tránh được cái chết. Trong trường hợp này, cần phải tham khảo chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt.

Giai đoạn điều trị ban đầu: Mỗi phác đồ điều trị ung thư đều mang tới những thách thức tâm lý riêng.

  • Phẫu thuật:

Hầu hết các bệnh nhân quan niệm phẫu thuật là phương pháp chữa khỏi tốt nhất. Tuy nhiên, do tính chất tàn phá, phẫu thuật làm cho bệnh nhân sợ hãi hoặc lo ngại. Hoặc có niềm tin rất sai lầm là “ung thư mà đụng đến dao kéo là chết”. Bệnh ung thư nếu không phẫu thuật để lấy khối u ra (trừ các loại ung thư hệ tạo huyết) thì gần như sẽ chết.

Các trạng thái tâm lý thường gặp như sợ hãi, lo lắng do bệnh nhân sợ đau và sợ tử vong hoặc nhẹ hơn là sự thay đổi hình thể sau mổ. Bệnh nhân cũng dễ có xu hướng lẩn tránh việc phẫu thuật. Một số bệnh nhân tạo ra mọi cớ trì hoãn, chối bỏ phẫu thuật vì quá sợ. Bệnh nhân cũng có thể thất vọng sau mổ, phản ứng dằn vặt sau mổ kéo dài và nặng nề. Những phản ứng dằn vặt nặng nề có thể gây ra các triệu chứng giống như nỗi thất vọng lớn lao đòi hỏi có những can thiệp về tâm thần.

  • Xạ trị:

Bệnh nhân có cảm giác sợ khi phải đối diện với máy móc và các tác dụng phụ, lo sợ tia phóng xạ. Đây là biểu hiện hết sức bình thường. Những lời giải thích về nguyên tắc cơ bản của điều trị tia xạ sẽ giúp sửa chữa được quan niệm sai lệch đó. Bàn bạc chi tiết về các tác dụng phụ và các điều trị tác đụng phụ sẽ làm bệnh nhân hết sợ. Nhiều khi bệnh nhân sợ thầy thuốc, gia đình hoặc cơ sở y tế bỏ mặc “hết trách nhiệm”, hoặc bị bỏ rơi giữa các công đoạn điều trị. Tia xạ không ảnh hưởng đến người chung quanh vì một số bệnh nhân lo ngại sẽ ảnh hưởng đến người thân như bồng ẵm em bé…

  • Hóa trị:

Hiện nay, nỗi sợ điều trị hóa chất cùng với tác dụng phụ của nó còn hơn cả nỗi sợ ung thư. Đa số bệnh nhân đều lo lắng và sợ hãi. Sợ rụng tóc có thể hàng xóm hoặc người chung quanh biết sẽ kỳ thị, dè bỉu… Việc rụng tóc có thể xảy ra nhưng các phác đồ hóa trị mới hiện nay không gây rụng tóc. Có thể mang tóc giả trong thời gian hóa trị, vài tháng sau hóa trị tóc sẽ mọc lại bình thường. Cần chú ý điều trị kịp thời các biến chứng vì nhiều bệnh nhân bỏ điều trị do các tác dụng phụ nặng nề.

Giai đoạn cuối:

Hầu hết các bệnh nhân ý thức được tiến trình bất khả kháng của bệnh tật ở giai đoạn cuối, dù có được giải thích hay không. Một số người sợ hãi có thể phải gửi đi khám tâm thần và điều trị tâm thần hỗ trợ đúng lúc.

Sợ bị bỏ rơi: Thông thường bệnh nhân hay lo lắng ung thư ở giai đoạn muộn sẽ không được quan tâm đặc biệt của các nhân viên y tế. Cần đảm bảo cho bệnh nhân thấy thầy thuốc và đội ngũ y tế vẫn tiếp tục chăm sóc. Khi bệnh nhân gần chết thái độ tích cực và hỗ trợ của thầy thuốc làm giảm nhẹ nỗi đau buồn của bệnh nhân và gia đình.

Lo lắng biến dạng cơ thể và mất phẩm giá: Những tác động về tinh thần và thể xác của người đang hấp hối gây ra nhiều mối lo lắng khác nhau. Ung thư và việc điều trị ung thư có thể là nhân đạo, nhưng cũng cần nhớ rằng: người ta vẫn có quyền chết “vinh hiển” (nhất là bệnh nhân đã hôn mê).

Sợ đau: Ở giai đoạn cuối của điều trị, thuốc giảm đau thích hợp là tối thượng.

Sợ bỏ dở công việc hoàn thành: Mối quan tâm này gồm cả những vấn đề thực tế và tâm lý. Nỗi sợ này thay đổi theo giai đoạn trưởng thành. Ví dụ người cha, người mẹ trẻ lo con thơ dại, trong khi đó một số bệnh nhân lo tới những vấn đề gia đình, kinh tế chưa giải quyết xong… Trong trường hợp bệnh tật, họ luôn luôn lo lắng dẫn tới trầm cảm, rối loạn sức khỏe.

Lúc này bệnh nhân ung thư cần được động viên tinh thần người bệnh và cung cấp thông tin điều trị đúng đắn. Tiếc rằng giai đoạn cuối là giai đoạn mà đa số các bệnh viện hiện nay “bỏ rơi” bệnh nhân. Rất nhiều đau khổ xuất hiện trên bệnh nhân và gia đình ở giai đoạn này vì họ phải đối mặt với cái chết. Cần liên hệ với các bệnh viện có khoa chăm sóc giảm nhẹ để được chăm sóc cuối đời tích cực.

Đông Nam Y Dược NGUYÊN GIÁC

Lương y. Phạm Quốc Khánh
Điện thoại: 093636.2656

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *