THẬN TRONG ĐÔNG Y

Những năm gần đây các phương thuốc, bài thuốc Đông y không còn xa lạ gì với chúng ta. Đông y đã dần dần tự khẳng định vị thế của mình qua việc chữa lành nhiều căn bệnh khác nhau mà đôi lúc Tây y phải bó tay. Một thuât ngữ Đông y mà chúng ta hay gặp trên báo chí, các phương tiện truyền thông là “bổ thận tráng dương”, “bổ thận sinh tinh”, “tư âm bổ thận”, “thận dương, thận âm”… Vì vậy, nên hiểu thận trong Đông y là như thế nào.

Trong Tây y, nói thận tức nói đến 2 quả thận (kidneys), nằm ở hố thắt lưng trong khoang bụng. Chức năng là lọc máu, đào thải chất cặn bã, hấp thu các vi khoáng, tạo hồng cầu (nhờ chất erythropoietin được tiết ra từ bộ máy cạnh cầu thận) và điều hoà huyết áp qua hệ renin-angiotensin-aldosterone.
Còn trong Đông y, “thận” bao gồm cả 2 quả thận (kidneys) và 2 tuyến thượng thận (adrenal glands) nằm úp trên 2 quả thận.

Thận trong Đông y : Chủ về tàng tinh, Chủ cốt tuỷ, Chủ về sinh dục và phát dục của cơ thể, Chủ nạp khí, Chủ thuỷ. Khai khiếu ra tai, tiền âm, hậu âm và vinh nhuận ra tóc.

• Thận tàng tinh, chủ về sinh dục và phát dục của cơ thể.
Tinh của tiên thiên (cha mẹ truyền cho) và tinh của hậu thiên (từ thức ăn nước uống hàng ngày) đều được tàng trữ ở thận gọi là thận tinh. Hiểu tường tận hơn, thận tàng tinh một là tàng chứa tinh của ngũ tạng lục phủ, hai là tàng chứa tinh của bộ phận sinh dục.

Tinh của ngũ tạng lục phủ nguồn gốc ở thuỷ cốc mà ra, là chất dinh dưỡng cơ bản để duy trì hoạt động sự sống của nhân thể; tinh đó chứa ở thận và có thể tuỳ lúc cần thiết mà cung ứng cho lục phủ ngũ tạng. Thiên Thượng cổ thiên nhân luận sách Nội kinh Tố vấn nói : “Thận chủ thuỷ, nhận tinh của ngũ tạng lục phủ mà tàng chứa lại “.

Tinh của bộ phận sinh dục tức là tinh của nam nữ giao hợp; là chất cơ bản nhất để làm cho sự sinh dục của loài người được phồn thịnh. Khi người ta phát triển đến giai đoạn dậy thì, thì tinh khí tự nhiên đầy đủ mà có thể có tác dụng sinh đẻ. Thứ tinh này là do tinh khí tiên thiên kết hợp với tinh khí ngũ tạng của hậu thiên chuyển hoá mà thành ra rồi chứa ở thận.
Thận chủ việc sinh tinh, chứa đựng và bài tiết ra cho nên trong lúc lâm sàng thấy những bệnh di tinh, hoạt tinh hoặc tinh ít không sinh đẻ được, đều trách ở thận, về cách chứa thì chứa ở thận.

Tinh biến thành khí nên còn có thận khí. Thận tinh còn gọi là thận âm, nguyên âm, chân âm, Thận khí còn gọi là thận dương, nguyên dương, chân dương, mệnh môn hoả.
Thận tinh và thận khí quyết định sự sinh dục và phát dục của cơ thể từ lúc nhỏ tới già như mọc răng, tuổi trưởng thành, sinh con cái (gọi là thiên quý thịnh) và lão suy (thiên quý suy).
Theo Nội kinh Tố vấn (tập sách về y học lâu đời nhất của Trung hoa, cách đây hơn 4000 năm) : “con gái 7 tuổi thì thận khí thịnh, răng thay, tóc dài, 14 tuổi thì thiên quý đến (chỉ đến tuổi dậy thì, ở gái thì thấy kinh, ở trai thì có tinh khí), mạch nhâm thông, mạch thái xung thịnh, vì vậy lúc đó người con gái sẽ thấy kinh cho nên có con, 21 tuổi thận khí đầy đủ cho nên răng hàm mọc lên, thân thể lớn mạnh hết mức. Thường đời người con gái có 7 thiên quý (7 ^7 =49) lúc đó mạch nhâm yếu, mạch xung kém, thiên quý cạn hết, kinh nguyệt không còn, nên thân thể yếu đuối mà không có con nữa…
Con trai 8 tuổi thận khí thực, tóc tốt răng thay; 16 tuổi thận khí thịnh, thiên quý đến, tinh khí đầy mà có thể tiết ra, âm dương hoà, cho nên có thể có con. 24 tuổi thận khí điều hoà, thân thể cường tráng, mạnh khoẻ, gân cốt cứng mạnh, răng hàm mọc ra. 40 tuổi thận khí kém, tóc rụng, răng khô…56 tuổi can khí suy yếu, gân mạch kém hoạt động, thiên quý khô cạn, tinh khí cũng ít, thận tạng suy yếu, thân thể hao mòn. 64 tuổi thì răng tóc rụng, bấy giờ ngũ tạng đã suy yếu, gân xương rã rời, thiên quý cạn hết, cho nên râu tóc bạc, người nặng nề, đi đứng không vững mà không có con nữa.”. Lại nói : “ Cũng có người tuổi già mà vẫn có con, đó là người bẩm thụ tinh lực khác thường, khí huyết tinh mạch lưu thông mà thận khí hữu dư “.
Thận âm và thận dương nương tựa với nhau, chế ước lẫn nhau, giữ thế quân bình về âm dương. Nếu thận hư không có hiện tượng hàn hay nhiệt thì gọi là thận tinh hư hay thận khí hư. Nếu có hiện tượng hư nhiệt (nội nhiệt) là do thận âm hư. Nếu có hiện tượng ngoại hàn (sợ lạnh, tay chân lạnh) là do thận dương hư,

• Chủ về khí hoá nước.
Thận khí có chức năng khí hoá nước, tức là đưa nước do đồ ăn uống tới tưới chocác tổ chức cơ thể và bài tiết nước ra ngoài.
Sự đại tụ nước trong cơ thể do 3 tạng phụ trách : tỳ vận hoá thuỷ thấp, phế thông điều thuỷ đạo, thận khí hoá nước; nước vào vị được tỳ vận hoá hấp thu đưa lên phế, phế túc giáng xuống thận, ở thận được khí hoá những chất trong (có ích) được đưa lên phế phân bố đi toàn thân, những chất đục được đưa xuống bàng quang thải ra ngoài.
Vì vậy trên lâm sàng, căn cứ vào vị trí trở ngại, người ta chữa chứng phù thủng ở tỳ, ở phế hay ở thận.

• Chủ về xương tuỷ – thông với não và vinh nhuận ra tóc
Tinh được tang trữ ở thận, tinh sinh tuỷ, tuỷ vào trong xương nuôi dưỡng xương, nên gọi là thận chủ cốt, sinh tuỷ. Nếu thận hư, làm sự phát dục của cơ thể giảm sút gây hiện tượng chậm mọc răng, chậm biết đi, xương mềm yếu…
Tuỷ ở cột sống lên não, thận sinh tuỷ, nên gọi là thận thông với não, không ngừng bổ sung tinh tuỷ cho não. Thận hư (thường do tiên thiên) làm não không phát triển sinh các chứng : trí tuệ chậm phát triển, tinh thần đần độn, kém sự thông minh…
Huyết do tinh sinh ra, tinh tàng trữ ở thận, tóc là sản phẩm “thưa ra” của huyết, được huyết nuôi dưỡng, vì vậy thận là căn nguyên sinh ra tóc. Sự thịnh suy của thận có quan hệ mật thiết tới tóc : như bẩm sinh thận khí kém thì tóc mọc thưa thớt, thanh niên mạnh khoẻ thì tóc tốt nhuận, người già thận khí yếu thì tóc bạc, rụng tóc…vì vậy nói thận vinh nhuận ra ở tóc.

• Nạp khí.
Không khí do phế hít vào được giữ lại ở thận gọi là sự nạp khí của thận. Nếu thận hư không nạp được phế khí làm phế khi nghịch lên gây chứng ho, hen, khó thở. Trên lâm sàng, người ta chữa chứng hen suyễn, chứng ho ở người già bằng phương pháp bổ thận nạp khí.

• Khai khiếu ra tai và tiền âm, hậu âm.
Tai nghe do thận tinh nuôi dưỡng, thận hư sẽ gây tai ù, tai điếc. Ở người già, thận khí thận tinh suy yếu hay gặp chứng ù tai, điếc.
Tiền âm là nơi bài tiết nước tiểu, bộ phận sinh dục nam hay nữ, thận chủ về khí hoá bài tiết nước tiểu và sự sinh dục, vì vậy gọi là thận chủ về tiền âm. Như thận hư hay gây chứng đi tiểu luôn ở người già, chứng đái dầm ở trẻ em, chứng di tinh, ra khí hư,,,
Hậu âm là nơi đại tiện ra phân, do tạng tỳ đảm nhiệm. Nhưng tỳ dương được thận khí hoá để bài tiết phân ra ngoài nên còn gọi là thận chủ về hậu âm. Nếu thận khí hư hay gặp chứng đại tiện lỏng, đại tiện táo ở người già. Hậu âm và tiền âm thường là đại tiện và tiểu tiện nên còn nói “thận chủ về nhị tiện”.

• Các chứng bệnh thận.

  • Thận âm hư: Nếu vì âm hư thì có những triệu chứng chủ yếu như : di tinh, ù tai, răng lung lay, lưng đau hoặc lưng đùi ê ẩm, thậm chí còn liệt dương nữa. Có khi cũng có thể ảnh hưởng đến tạng phủ khác. Ví dụ : vì thận âm hư kém làm cho can hoả quá mạnh, thì miệng ráo, cổ khô, đầu choáng, mắt hoa, mặt hồng hồng, tai đỏ, trong tai chảy mủ, không nghe được. Nếu ảnh hưởng đến phế, sẽ thấy các chứng ho hắng, ho ra máu, nóng về đêm, đổ mồ hôi trộm, người gầy mòn, đó là vì âm hư hoả vượng, đốt lên phế kim.
    Thận thuộc thuỷ, tâm thuộc hoả, thuỷ và hoả cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Nếu thận âm hư mà tâm hoả bùng lên, thì tâm thần không yên, sinh ra chứng không ngủ. Trái lại tâm thần không yên hoặc thần khí suy nhiều cũng rất dễ liên cập đến bệnh của thận, sinh ra chứng di tinh, ù tai, đau lưng.

Bài thuốc Lục Vị Quy Thược Thang
Nguyên bản bài thuốc:
(Y Lược Giải Âm.) – Tạ Đình Hải
Công Dụng: Trị âm hư hỏa vượng.
Vị thuốc:
Bạch thược ……….8g
Đương quy ……..12g
Hoài sơn …………16g
Mẫu đơn ……….. 12g
Phục linh ………..12g
Sơn thù …………… 8g
Thục địa ……….. 32g
Trạch tả ………….. 6g
Sắc uống.
Lưu ý khi dùng thuốc:
Khi dùng cần phải chọn lựa loại thuốc tốt bài thuốc mới có hiệu quả.
Bạch thược phản với vị Lê lô nếu dùng chung sẽ phát sinh chất độc nguy hiểm – không được dùng chung với Lê lô.
Thục địa kỵ các thứ huyết, Củ cải, Hành. Nên kiêng khi uống thuốc hoặc dùng cách xa khi ăn trên 1 giờ.

  • Thận dương hư : Thường có những chứng tinh lạnh, hoạt tinh, liệt dương, hoặc lưng đùi cảm thấy lạnh, 2 chân yếu liệt. Thận dương kém không hoá được thuỷ, thì có thể làm cho thuỷ khí đình tụ lại, tiểu tiện không lợi, môi nhợt, thậm chí sinh ra phù thủng, đầy bụng. Ngoài ra những chứng đi tả lúc gần sáng cũng là vì thận dương hư yếu, không thể làm cho tỳ thổ ấm được, đến nỗi công năng chuyển vận thuỷ khí và tiêu hoá đồ ăn của tỳ vị bị giảm sút, lại có chứng “thận tiêu”, miệng khát uống nước nhiều, tiểu tiện cũng đi nhiều, uống một phần đi tiểu hai phần là do thận dương suy kém quá : không thể phân hoá được thuỷ dịch mà gây nên.

Bài thuốc Quế Phụ Bát Vị Hoàn
Nguyên bản bài thuốc:
“Y Phương Tập Giải” – Uông Ngang
Ôn bổ thận khí. Trị thận khí bất túc, tướng hỏa ở thận không đủ, lưng đau, thiếu hơi. Mạch ở bộ xích nhược, thủy thũng, cước khí, tiêu khát, tiêu chảy.
Vị thuốc:
Bạch phục linh ….120g
Hoài sơn …………. 160g
Mẫu Đơnbì ………..120g
Nhục quế ………….. 40g
phụ tử chế ………… 40g
Sơn thù …………….160g
Thục địa …………. 320g
Trạch tả ………….. 120g
Dùng Sa nhân sắc nước và rượu rưới vào Thục địa, đem chưng, rồi lại tẩm, lại chưng 9 lần. Giã nát thành cao. Các vị thuốc tán bột, trộn vào cao, làm hoàn. Ngày uống 8 – 12g với nước muối loãng. Mùa đông uống với rượu.

===========================
Lương y. Phạm Quốc Khánh
Điện thoại: 0936.36.2656

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *