UNG THƯ CỔ TỬ CUNG – CĂN BỆNH GIẾT NGƯỜI ÂM THẦM

Tại khoa Nội 1, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, không khí trong phòng hóa trị ảm đạm với hơn 10 bệnh nhân đang truyền hóa chất. Có bệnh nhân biết mình không còn sống được lâu vì bệnh đã phát ở giai đoạn 4. Nhiều người tiếc nuối: “Giá như được phát hiện sớm hơn…”.

“Sau khi mãn kinh 7-8 tháng, tôi thấy ra huyết, dù ít nhưng dai dẳng, ngồi lâu thấy thốn thốn ở bụng dưới… nên mới đi khám. Ai ngờ bị ung thư”, chị V.T.M, 53 tuổi, người Bạc Liêu buồn rầu kể lại. Chị nhập viện từ hai tuần trước, với chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn tiến xa, di căn thận trái, ổ bệnh không còn khu trú, nên những can thiệp bằng xạ trị và phẫu trị đều vô hiệu. Trước đó, chị không hề biết gì về bệnh K cổ tử cung (K: ung thư) và cũng không đi khám phụ khoa thường kỳ. Khi nhập viện, có khái niệm về tình trạng của mình thì đã quá muộn.

Ở khoa Xạ 1, trong một phòng bệnh có khoảng 40 bệnh nhân nữ, chị P.T.X, 58 tuổi, quê Nha Trang, làm nghề bán rau đã nhập viện 5 tháng. Sau khi xạ 25 tia, chị tiếp tục “vô” hai toa hóa chất. “Di căn rồi nên nó “chạy”, nhức cả bả vai xuống tận nách. Ngày nhức nhiều hơn đêm. Vô thuốc là ói nhưng phải ráng ăn thôi”, chị X. nói. Cá biệt, bệnh nhân H. T.T.L, mới 15 tuổi, quê Tiền Giang, gia đình làm rẫy, là con út, vẫn còn đi học. Do bị rong kinh nhiều tháng, huyết trắng đục, gia đình mới đưa em đi bệnh viện huyện khám, uống thuốc nhiều nhưng bệnh không khỏi. Chuyển lên Bệnh viện Triều An mới phát hiện em bị ung thư cổ tử cung, nên chuyển em về Bệnh viện Ung Bướu.

Ung thư cổ tử cung có 4 giai đoạn. Giai đoạn sớm (0): tiền ung thư, hoặc ung thư tại chỗ, chỉ khu trú ở cổ tử cung. Giai đoạn từ 1B-2A: ung thư xâm lấn thân tử cung, âm đạo, hoặc toàn bộ vùng quanh tử cung. Giai đoạn 2B-4A, ung thư ăn đến các cơ quan gần: bàng quang, trực tràng. Cuối cùng, giai đoạn 4B, đã di căn tới phổi, não, gan, xương.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, để bệnh phát tới giai đoạn 1A mới điều trị đã là muộn. Đáng tiếc, khi bệnh mới ở giai đoạn 0, số bệnh nhân tìm đến bệnh viện kịp thời quá hiếm hoi. Trong khi ở giai đoạn này, hiệu quả điều trị bằng phẫu, xạ trị đạt trên 95%. Bệnh phát nặng hơn là khi xuất hiện các triệu chứng: xuất huyết âm đạo bất thường khi đã mãn kinh, sau giao hợp, giữa hai kỳ kinh, hoặc rong kinh nhiều lần, lượng lớn.

Theo bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Xạ 1, giai đoạn này vẫn còn đến 70-80% cơ may chữa khỏi. Tỷ lệ chữa khỏi chỉ còn 40-60% nếu bệnh nhân đến trễ hơn, với các triệu chứng đau nhức vùng chậu, hạ chi, phù nề. Giai đoạn cuối cùng, 4B, khối u đã di căn xa thì hầu như không thể chữa khỏi, chỉ dùng hóa chất làm giảm sự tiến triển của bệnh.

Hiện nay, ở Bệnh viện Ung Bướu, đa số bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn. Theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, hiện có gần 300 bệnh nhân nội trú. Trong đó, khoảng 40% số bệnh nhân K cổ tử cung đã ở giai đoạn quá trễ, dưới 10% người sống thêm 5 năm. Số ca ung thư cổ tử cung xấp xỉ 30-40%, đứng hàng thứ hai trong tổng số bệnh nhân ung thư phụ khoa, sau ung thư vú.

Điều đáng nói là sự chậm trễ lại do chính người bệnh gây ra. Ngoài trường hợp thờ ơ với việc khám phụ khoa, có người dù dấu hiệu đã rõ ràng vẫn đến muộn do tập quán tự chữa ở nhà, ngại đến cơ sở y tế. Nhiều trường hợp bệnh nhân thấy ra máu, bèn dùng thuốc rê, nhét sâu vào âm đạo. “Lúc khám, tôi phải lôi từng cục ra, rửa bằng nước muối sinh lý, trong khi cổ tử cung người này đang loét tùm lum, sùi, chảy máu…”, một bác sĩ ở Bệnh viện Ung Bướu kể lại.

Nhiều phụ nữ khi thấy triệu chứng như xuất huyết âm đạo, huyết trắng thì nghĩ chắc do nóng trong người, bèn đi thầy lang, mua thuốc lá, xông vào cửa mình. Có người uống nước tiểu hoặc chữa bệnh bằng cách nằm… nghỉ! Trong khi đó, để phát hiện sớm và điều trị căn bệnh này, bác sĩ Phạm Xuân Dũng cho rằng, cách duy nhất để điều trị kịp thời là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi khám tầm soát mỗi năm ít nhất 1 lần ở phòng khám phụ khoa, làm xét nghiệm tế bào âm đạo, phát hiện khối u sớm vì ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được, phát hiện sớm là có thể điều trị tốt.

Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh cho biết thêm, tại Việt Nam, hiện đã có vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vắc xin này chỉ ngừa được một số chủng virus gây ung thư cổ tử cung cơ bản và độc lực cao, chứ không phải tất cả. Vì vậy, dù đã tiêm ngừa, các chị em vẫn nên khám phụ khoa 6 tháng/lần, làm xét nghiệm tế bào âm đạo tầm soát bệnh, giữ gìn vệ sinh vùng kín, đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu lạ: huyết trắng, xuất huyết âm đạo, đau bụng dưới…
MINH ĐỨC
Báo: Sài Gòn-Giải Phóng

======================
Lương y. Phạm Quốc Khánh
Điện thoại: 0936.36.2656

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *