UNG THƯ MÁU TRẺ EM NGÀY CÀNG TĂNG NHANH

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong mấy năm gần đây, số bệnh nhi ung thư máu có chiều hướng tăng mạnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, ung thư máu chiếm 42% tỷ lệ trẻ em ung thư nhập viện hàng năm và số trẻ bị ung thư máu năm sau cao hơn năm trước. Tại khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương lúc nào cũng có trên dưới 100 trẻ em bị ung thư máu phải điều trị dài ngày.

• Những nỗi đau
Chúng tôi đến Viện Huyết học và Truyền máu TƯ vào một buổi chiều. Ngoài đường, cái nắng ngày hè như đổ lửa. Bên trong bệnh viện, không khí cũng ngột ngạt không kém. Tại khoa Bệnh máu Trẻ em, những cháu bé nằm mê mệt trên giường, tóc đã rụng gần hết, chỉ còn lơ thơ vài sợi. Khuôn mặt bố mẹ mệt mỏi, bơ phờ sau nhiều đêm thức trắng trông con. Ngồi xuống cạnh cháu Hồ Nguyễn Anh Dũng, 16 tuổi, học sinh trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh, tôi lắng nghe câu chuyện mẹ kế cháu kể mà thấy thật đau lòng. Từ nhỏ Dũng đã thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, khi mới được 3 tháng tuổi mẹ bỏ nhà đi biệt xứ. 4 năm sau, bố Dũng đi bước nữa và có thêm 2 em nhỏ. Tuy nhiên dù phải sống với mẹ kế nhưng bà lại rất thương Dũng. Dũng học giỏi, chịu khó, ngoài giờ lên lớp còn giúp bố mẹ được nhiều việc. Nhưng không ngờ đang ở lứa tuổi đầy ước mơ và hoài bão thì căn bệnh ác nghiệt đã giáng xuống đầu em. Dũng phát hiện bị ung thư máu từ tháng 2-2013, cơ thể ngày một gầy rộc đi. Nhà nghèo nhưng bố mẹ cũng đi vay mượn được 25 triệu để đưa Dũng ra Hà Nội điều trị. Chị Nguyễn Thị Tạo, dù là mẹ kế nhưng cũng đi theo chăm sóc Dũng từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Không có tiền thuê trọ, chị mua chiếc chiếu cói mỗi đêm lại trải ra sàn hành lang bệnh viện để ngủ.

• Khó phát hiện
Theo BS Mai Lan, Trưởng khoa Bệnh máu trẻ em, Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương, trung bình thường có khoảng 100 cháu nằm điều trị tại đây. Trong số này, khoảng 60-70% bệnh nhi ung thư máu đều phát hiện muộn. Trẻ bị ung thư máu thường ít có biểu hiện đặc trưng, nhất là đối với trẻ vài tháng tuổi thường chỉ sốt nhẹ. Nhiều phụ huynh nghĩ con mọc răng, hoặc viêm đường hô hấp nên chỉ cho uống kháng sinh. Đến khi bệnh nặng, điều trị không thuyên giảm mới cho con đi bệnh viện, xét nghiệm máu mới phát hiện con mắc bệnh thì diễn biến bệnh đã rất nhanh, bạch cầu giảm mạnh. Những bệnh nhân nặng chỉ có thể điều trị duy trì để ngăn ngừa sản sinh tế bào ung thư máu chứ không thể chữa khỏi.
Theo nghiên cứu, ung thư máu là căn bệnh ung thư gặp nhiều nhất ở trẻ em. Bệnh gặp chủ yếu ở lứa tuổi 3-4 tuổi. Các biểu hiện chính của bệnh là thiếu máu, da xanh xao, xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc, đau xương, sốt thất thường, ra nhiều mồ hôi về đêm, nổi hạch nhiều hoặc hạch to thất thường, bụng chướng do gan, lách to, nhiễm trùng khó điều trị. Một số bệnh nhân có biểu hiện phì đại lợi, lồi mắt, tổn thương da. Nếu những triệu chứng này xuất hiện kéo dài vài ngày hoặc vài tuần thì cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thông thường, nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm trẻ có nhiều cơ hội được cứu sống. Việc chữa trị là sự kết hợp giữa hóa trị, phẫu thuật… tùy theo dạng bệnh và lứa tuổi. Trẻ càng được điều trị sớm thì càng có nhiều cơ hội khỏi hoàn toàn và phát triển bình thường.
Cũng giống như những căn bệnh ung thư khác, kết quả việc điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện ra bệnh. Phát hiện bệnh càng sớm thì càng có nhiều cơ hội chữa trị bệnh. Tuy nhiên việc phát hiện bệnh sớm chính là thách thức không chỉ đối với gia đình người bệnh mà ngay cả đối với những người thầy thuốc cũng là một vấn đề rất khó khăn.

• Tăng nhanh không rõ nguyên nhân
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong mấy năm gần đây, số bệnh nhi ung thư máu có chiều hướng tăng mạnh. Việc điều trị cho bệnh nhi ung thư máu phụ thuộc nhiều vào thể ung thư và thời gian phát hiện bệnh sớm hoặc muộn. Tuy nhiên, theo thống kê của Khoa Ung bướu cho thấy, hầu hết bệnh nhân đến khám khi bệnh đã nặng (thiếu máu, xuất huyết…), thậm chí, có bệnh nhi tới viện khi các tế bào ác tính đã di căn sang bộ phận khác của cơ thể. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân ung thư máu cần tái khám định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh nhân chặt chẽ để đảm bảo ung thư không tái phát.
Ở trẻ bị ung thư máu, người ta nhận thấy: có sự tăng sinh bất thường và ác tính trong quá trình tạo máu của thành phần bạch cầu gốc trong tủy xương. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh chưa biết rõ. Một số yếu tố môi trường và di truyền có liên hệ với bệnh bạch cầu cấp đã được ghi nhận: Môi trường: virus, tia phóng xạ, hóa chất benzen, DDT, một số thuốc như Etoposid, Melphalan… Bất thường nhiễm sắc thể: trẻ bị hội chứng Down, hội chứng Bloom hoặc Fanconi…

Bệnh ung thư máu ở trẻ em cũng tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Mặc dù trẻ dưới 6 tuổi được bảo hiểm y tế chi trả 100% tiền viện phí và thuốc men, trẻ trên 6 tuổi sẽ được bảo hiểm chi trả 75-80%. Tuy nhiên để điều trị ổn định bệnh cho một bệnh nhi cũng rất tốn kém nên nhiều bệnh nhân đã phải bỏ điều trị. Theo ước tính của Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm có khoảng gần 50% bệnh nhân bỏ điều trị vì nhiều lý do.

Nguồn: anninhthudo.vn

Lương y. Phạm Quốc Khánh
Điện thoại: 0936.36.2656

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *